Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Bệnh về lá gan

 Gan

 là tạng đặc lớn nhất nằm trong ổ bụng, đồng thời cũng là cơ quan đươc tưới máu nhiều nhất. Gan của người khỏe mạnh thường có kích thước khoảng 1 quả bóng bầu dục.

Những người có thể trạng khác nhau, gan cũng có kích thước khác nhau, thường có sự tương đồng với thể trạng của cơ thể. Nhóm người Châu Âu có kích thước gan lớn khoảng 1.5 kg ở người trưởng thành; còn với tầm vóc thể trạng của người Châu Á như Việt Nam kích thước gan có phần nhỏ hơn, khoảng 1.2 kg.

Tuy nhiên, có những trường hợp thể trạng thấp bé nhưng có kích thước gan to và ngược lại. Kích thước không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá chất lượng và sức khỏe của lá gan.

Một số dấu hiệu cảnh báo các bệnh về gan:

 Các bệnh về gan trong giai đoạn đầu không có triệu chứng; hoặc các triệu chứng rất mơ hồ, rất khó chuẩn đoán. Đến giai đoạn muộn, xuất hiện các dấu hiệu như vàng da vàng mắt, đau trướng bụng, phù chân (có thể nhầm lẫn với bệnh khác), ngứa, ăn kém, chán ăn, thường xuyên mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, dễ bị bầm tím ngoài da (do rối loạn đông máu).

Để phát hiện những dấu hiệu bất thường từ đầu, cần làm các xét nghiệm như thử máu kiểm tra chức năng, siêu âm…

Một số bệnh về gan thường gặp ở Việt Nam như: 

Viêm gan virus B, C (còn gọi là viêm gan siêu vi); gan nhiễm mỡ và viêm gan do thoái hóa mỡ; bệnh gan do bia rượu. Ngoài ra, còn một bệnh số bệnh về gan do dùng thuốc (Đông y, Tây y) không đúng chỉ định; bệnh về gan do di truyền như ứ sắt, ứ đồng, bệnh gan tự miễn…

Lời khuyên bảo vệ cho lá gan:

 Hạn chế rượu bia để loại bỏ phần lớn nguyên nhân bệnh gan do bia rượu, hạn chế hành vi có yếu tố nguy cơ như quan hệ tình dục không an toàn, các hành vi lây nhiễm chéo từ máu, dịch tiết (hạn chế lây nhiễm các bệnh viêm gan do virus B, C, tiêm ngừa vắc-xin). Cẩn trọng khi dùng thuốc Đông y, Tây y, thực phẩm chức năng... Hạn chế sự tiếp xúc với các nguồn hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, sơn…

Xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và sức khỏe tốt hạn, chế tình trạng gan nhiễm mỡ. Bảo vệ sức khỏe lá gan, tiêm ngừa vắc xin đầy đủ cũng là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ chức năng của gan.

Hoạt động bù trừ của gan

Khả năng hoạt động bù trừ có thể hiểu là khi một tế bào của cơ quan bị tổn thương, thì những tế bào khác sẽ đảm trách phần chức năng của các tế bào bị tổn thương, nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của cơ thể. Có thể hiểu nôm na khi một nhóm tế bào “nghỉ việc”, những tế bào còn lại sẽ “tăng ca”, để “bộ máy cơ thể” được hoạt động bình thường .

Ví dụ: Khi bị xơ gan, các tế bào gan khỏe mạng bị chết đi và được thay thế bằng các mô xơ, các mô này đã mất hết chức năng của tế bào gan nên không còn khả năng đảm trách chức năng,  các tế bào gan còn lại sẽ tăng cường hoạt động để bù trừ cho những tế bào gan đã chết đi.

Trong giai đoạn đầu của quá trình bù trừ, các tế bào còn lại vẫn có thể “tăng ca” để đảm đương hoạt động, được gọi là trạng thái “còn bù”. Khi quá trình kéo dài, các tế bào gan tiếp tục chết đi và thay bằng các mô xơ thì các tế bào gan còn lại không thể gánh vác nổi hoạt động bù trừ cho các tế bào đã mất, thì được gọi là trạng thái “mất bù”.

Tương tự, còn có suy tim còn bù, suy tim mất bù…. Tuy nhiên, hoạt động bù trừ này chỉ có thể được thực hiện khi có đủ thời gian cho các tế bào có thể thích ứng, gia tăng hoạt động để bù trừ. Với trường hợp cấp tính thì ít có khả năng bù trừ kịp, do các tế bào không kịp thời thích ứng.

Hoạt động bù trừ của gan nói riêng, của hoạt động bù trừ sinh lý nói chung của mỗi cơ thể khác nhau, chứ không có một mức độ chung. Khả năng bù trừ được đánh giá dựa trên những thông số chung về khả năng hoạt động của cơ thể; vì không thể kiểm đếm khả năng hoạt động của từng tế bào cũng như hiệu quả làm việc của từng tế bào. Nhưng có thể chuẩn đoán chính xác khả năng còn bù hay mất bù của cơ quan đó dựa vào các biểu hiện.

Ví dụ: Với bệnh nhân xơ gan, khi gan đã “mất bù” thì bụng của bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu trướng to (có cổ trướng). Đây là giai đoạn muộn của xơ gan, các tế bào đã chết, mất khả năng hoạt động nhiều, gia tăng gánh nặng hoạt động, khiến các tế bào còn lại không đảm đương nổi chức năng hoạt động.

Với người ghép gan từ người cho sống: 

Khi hiến gan, các bác sĩ sẽ đánh giá để tính toán được mức độ cắt gan sao cho phù hợp nhất, đảm bảo khả năng hoạt động của phần gan còn lại ở người cho và phần gan được ghép ở người nhận (nếu phần gan hiến nhiều có thể khiến chức năng ở người cho không đảm bảo, nếu phần hiến ít quá không đủ chức năng cho người được ghép).

Việc đánh giá được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, chính xác bằng nhiều công cụ khác nhau, như đo, đánh giá kích thước, thể tích gan, chức năng gan… sau đó tính toán mức độ cắt gan phù hợp nhất, đảm bảo sức khỏe cho cả người cho và người nhận. Sau khi được ghép, ngoài việc gia tăng hoạt động bù trừ để đảm bảo chức năng của cơ thể, cả phần gan ở người cho và người nhận đều có thể tái sinh, tăng thể tích để đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của gan với cơ thể.

Những quan điểm chưa đúng về gan

Thuốc bổ gan có bổ cho gan:

 Trên thị trường có nhiều sản phẩm được giới thiệu là có chức năng giải độc gan, bổ gan… đây thường là các sản phẩm thực phẩm chức năng với công dụng, thành phần, nguồn gốc không rõ ràng, được đồn đoán về sự thần kỳ của công dụng; nhưng hiệu quả thực tế, tính an toàn chưa được kiểm chứng.

Trong thực tế lâm sàng, có nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng các sản phẩm “tốt cho gan”, nhưng lại chính là nguyên nhân gây tổn thương cho gan, gây viêm gan, suy gan cấp… khi ngừng sử dụng các sản phẩm này thì hoạt động, chức năng của gan dần hồi phục bình thường trở lại.

Do đó cần hết sức cẩn trọng, không tự ý sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng cũng như các loại thuốc Đông, Tây y vì nguy cơ tổn hại đến gan cũng như sức khỏe cơ thể rất lớn. Thay vì tin những lời đồn đoán vô căn cứ, nếu có bất kỳ vấn đề nào bất thường đối với sức khỏe thì nên đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời, chính xác.

Viêm gan siêu vi, cách ly thế nào cho đúng: 

Viêm gan siêu vi do nhiều chủng virus khác nhau gây ra, mỗi chủng có đặc tính, con đường lây nhiễm khác nhau. Viêm gan siêu vi A lây qua đường ăn uống, đã có những trường hợp viêm gan cấp, hoặc xuất hiện ổ dịch viêm gan A nhỏ khi điều kiện ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không ăn chín uống sôi nên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chéo khi nguồn thức ăn bị nhiễm virus từ môt người đã mắc bệnh. Viêm gan B, C lây nhiễm qua đường máu, qua đường tình dục… nên các biện pháp cách ly ăn uống, sinh hoạt thông thường hằng ngày thì không có hiệu quả và không cần thiết. Cần hạn chế tiếp xúc với máu và dịch tiết như không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng,… thì vẫn đảm bảo người bệnh có một đời sống sinh hoạt bình thường, không tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người xung quanh

Ăn gan bổ gan: Đây là quan niệm không chính xác, một chế độ dinh dưỡng phù hợp và cân đối các thành phần dinh dưỡng thì tốt hơn cho gan. Việc tiêu thụ quá nhiều gan tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, bởi gan là cơ quan có chứa nhiều chất béo, thành phần dinh dưỡng không cân đối, ăn nhiều, ăn lâu dài sẽ tăng nguy cơ về mỡ trong máu. Ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng từ gan, nhất là gan của các loài cá sống tại khu vực có nguồn nước ô nhiễm trong thời gian dài.

 



Trong hoạt động của cơ thể, gan đảm nhiệm gần 300 hoạt động, chức năng khác nhau có thể phân loại thành các chức năng lớn như: chống độc (chức năng hàng đầu của gan), tổng hợp các chất cần thiết cho hoạt động chuyển hóa của cơ thể), tiết mật giúp quá trình tiêu hóa, sản xuất các yếu tố đông máu cho cơ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét