Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Cơn đau đầu

 Đau đầu

 là một vấn đề phổ biến do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có những cơn đau nhanh chóng qua đi không để lại nguy hiểm nào cho người bệnh. Nhưng cũng có những cơn đau là cảnh báo cho những bệnh lý nguy hiểm khác.

Đau đầu là một vấn đề thường gặp, ai trong mỗi chúng ta đều có thể gặp phải những cơn đau đầu. Một số nguyên nhân dẫn đến cơn đau đầu không nguy hiểm (còn gọi là đau đầu nguyên phát) như căng thẳng, stress, làm việc trí óc quá sức, thiếu ngủ. Nguyên nhân khác có thể gây ra cơn đau đầu nguy hiểm (còn gọi là đau đầu thứ phát) như: dị dạng mạch máu não, viêm màng não, u não,… và có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Một số kiểu đau đầu phổ biến:

Đau đầu kiểu căng thẳng: 

Khoảng 80% dân số  từng trải qua loại đau đầu này trong suốt cuộc đời của họ. Bệnh nhân có vấn đề cảm xúc không giải quyết được, lo âu, stress, căng thẳng kéo dài, làm việc quá sức, làm việc sai tư thế. Đặc điểm: đau ê ẩm, cảm giác bóp siết ở vùng đầu, đè ép thắt chặt, vị trí đau thường ở vùng da đầu, thái dương, vai gáy, thường đau cả 2 bên.

Đau đầu migraine:

 Do hoạt động bất thường của phức hợp thần kinh-mạch máu, xuất hiện từng cơn. Đau thường xuất hiện ở một bên đầu nhưng cũng có lúc đau cả 2 bên, cảm giác đau kiểu mạch máu đập trong đầu, kèm các triệu chứng như: ù tai, mờ mắt, buồn nôn, sợ tiếng ồn và ánh sáng...

Đau đầu mạn tính hàng ngày: 

Là tình trạng đau đầu do các bệnh đau đầu nguyên phát (đau đầu migraine, đau đầu kiểu căng thăng,…) không được điều trị tốt, dẫn đến đau kéo dài. Nếu cơn đau của các bệnh đau đầu nói trên xảy ra từ 15 ngày trở lên trong một tháng và kéo dài hơn ba tháng thì được gọi là đau đầu mãn tính hàng ngày.

Khi đau đầu, người bệnh hay tự dùng thuốc giảm đau, điều này khá nguy hiểm. Lạm dụng thuốc giảm đau hay dùng quá liều thuốc giảm đau có thể tạo nên tình trạng “kháng thuốc”, ngộ độc thuốc hoặc bị tác dụng phụ lên gan thận. Ngoài ra, việc dùng thuốc giảm đau có thể làm “che lấp” đi một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, dẫn đến phát hiện bệnh muộn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

 đau  đầu

Một vị trí đau nhưng không giống nhau

Đau đầu có thể xảy ra ở vùng đầu, gáy, cổ, vùng mặt và hốc mắt, đau có thể khu trú ở một bên hoặc lan tỏa. Có nhiều vị trí đau khác nhau như đau nửa đầu bên trái,  bên phải, vùng hốc mắt, vùng sau gáy… Vị trí đau là một trong những thông tin quan trong giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh, nhưng không phải là yếu tố duy nhất để từ đó xác định chính xác bệnh lý.

Ví dụ như trường hợp đau xảy ra ở nữa bên đầu, có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, như:

Đau đầu migraine:

 Thường đau một bên đầu nhưng cũng có khi đau cả hai bên đầu. Đặc điểm của cơn đau đầu migraine là đau theo nhịp mạch. Cường độ cơn đau thay đổi từ nhẹ cho đến rất nặng. Đôi khi xuất hiện đau nửa đầu bên phải hoặc có thể là đau nửa đầu bên trái, đau cả hai bên đầu hoặc luân chuyển bên này bên kia. Cơn đau đầu migraine có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc có khi lên đến 2-3 ngày. Đối tượng bị bệnh thường gặp là phụ nữ từ 30 - 45 tuổi.

Đau dây thần kinh số V: 

Còn gọi là đau dây thần kinh tam thoa, cũng gây ra hiện tượng đau 1 bên đầu. Đau dây thần kinh số V thường khởi phát đột ngột, đau buốt giống như bị điện giật, đôi khi có cảm giác rất bỏng, châm chích, tê rần,... Cơn đau diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ kéo dài vài giây, nhưng các cơn đau có thể xuất hiện liên tiếp với nhau, làm cho người bệnh rất đau đớn, khó chịu, khổ sở. Đau dây thần kinh số V có thể tái đi tái lại hàng ngày không theo một quy luật nhất định nào cả. Mức độ nặng của bệnh được biểu hiện bằng tần suất của cơn đau.

Đau dây thần kinh chẩm: 

Là tình trạng các dây thần kinh chẩm - là hai đôi dây thần kinh xuất phát từ đốt sống cổ thứ hai và thứ ba (C2,C3) bị viêm hoặc bị tổn thương gây ra triệu chứng, làm người bệnh bị đau ở phía sau gáy. Đau dây thần kinh chẩm có thể gây ra cơn đau dữ dội, cảm giác như bị điện giật ở phía sau gáy và cổ, thường có thể gây đau 1 bên đầu, nhưng một số trường hợp đau ở cả hai bên đầu,...

Ngoài ra, các bệnh về mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt như: tăng nhãn áp (cườm nước), viêm khớp thái dương hàm, viêm xoang,.. cũng có thể đau một bên đầu, nếu vị trí của cơ quan bị tổn thương chỉ xảy ra một bên

đau  đầuĐau đầu khởi phát đột ngột, dữ dội có thể là dấu hiệu của một bệnh lý mạch máu não

Dấu hiệu cảnh báo đau đầu 

Đau đầu là một vấn đề thường gặp, có những trường hợp người bệnh sống với cơn đau qua nhiều tháng nhiều năm, nhưng người bệnh cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo đau đầu nguy hiểm như:

Đau đầu khởi phát đột ngột: 

Cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội. Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý mạch máu não, như vỡ mạch máu não, gây ra xuất huyết trong não hay xuất huyết khoang dưới nhện.

Cơn đau thay đổi tính chất:

 Một số trường hợp bệnh nhân có các cơn đau đầu dai dẳng trong thời gian dài thì việc cơn đau thay đổi tính chất như vị trí, tính chất đau, mức độ đau, thời gian đau…là dấu hiệu cảnh báo.

Đâu đầu kèm các dấu hiệu khác: 

Một số cơn đau đầu kèm các dấu hiệu khác như đau đầu kèm theo sốt, đau đầu kèm rối loạn nhận thức, ý thức,…

Đau đầu trên bệnh nhân có bệnh lý nền: 

Đau đầu xuất hiện trên bệnh nhân có một số bệnh lý toàn thân khác như ung thư, bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh tự miễn,…

Đau đầu kèm dấu hiệu tổn thương thần kinh:

 Bệnh nhân đau đầu kèm các vấn đề như yếu liệt nửa người, nói đớ, nói ngọng, méo miệng…

Khi đó người bệnh cần đến cơ sở y tế để có những chẩn đoán chính xác, kịp thời nhằm điều trị hiệu quả và hạn chế những rủi ro đối với sức khỏe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét