Nhiều người cứ nghe đến từ cholesterol là cho rằng rất nguy hiểm cho cơ thể, nhưng trên thực tế, cholesterol là một thành phần quan trọng vì chúng tham gia nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể, đồng thời là thành phần tạo dựng một số hormon quan trọng. Tuy nhiên, sự đáng sợ là khi cholesterol máu cao (loại cholesterol xấu) kéo dài sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, nhất là người trưởng thành, đặc biệt lứa tuổi trung niên trở lên.
Cholesterol là gì?
Cholesterol không phải là một chất độc hại như một số người nghĩ, cholesterol là chất cấu thành màng tế bào, nhiều loại hormon, muối mật và là chất rất cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể. Nguồn gốc của cholesterol phần lớn là từ thức ăn được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa và một phần nhỏ cholesterol được hấp thu trực tiếp từ thức ăn. Đặc điểm của cholesterol là không thể tan trong máu, vì vậy, khi di chuyển đến các tế bào phải nhờ vào lipoprotein (lipoprotein là chất do gan tổng hợp ra, tan trong nước mang theo cholesterol). Cholesterol là một chất béo có trong màng tế bào của đại đa số các mô tổ chức trong cơ thể và chúng được vận chuyển trong huyết tương đi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, vai trò có lợi của cholesterol là rất lớn bởi vì chúng giúp cơ thể sản sinh các hormon, axit mật và vitamin D. Cholesterol gồm có cholesterol toàn phần, cholesterol tốt và cholesterol xấu.
LDL vận chuyển cholesterol đến mọi tế bào trong cơ thể.
Cholesterol toàn phần (total cholesterol) gồm có các thành phần cholesterol thấp (LDL-cholesterol), rất thấp (VLDL-cholesterol) và cholesterol tốt. Loại thấp là loại cholesterol xấu gây nhiều tác hại bất lợi cho cơ thể, do đó, chúng sẽ xâm nhập màng của thành mạch máu, góp phần làm xơ vữa động mạch và bệnh tim. Hậu quả của xơ vữa động mạch là làm tăng huyết áp, từ đó gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Như vậy, khi cholesterol xấu tăng cao và kéo dài mới là điều đáng lo ngại cho sức khỏe. Đối với cholesterol tốt, thông qua gan, nó giúp đẩy bỏ những chất béo dư thừa ra khỏi cơ thể. Chính vì thế, nếu người nào có tỷ lệ cholesterol tốt cao, có thể giảm được các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ..., từ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như tai biến mạch máu não và ngược lại nếu cholesterol tốt ít quá, các rủi ro đó sẽ tăng nhiều lên.
Khi nào được gọi là cholesterol máu cao?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cholesterol toàn phần dưới 200mg/dl (dưới 5,2mmol/l) và cholesterol xấu dưới 3,3mmol/l được coi là bình thường. Nếu mức cholesterol toàn phần từ 200-239mg/dl (từ 5,2-6,2mmol/l) có thể tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây tăng huyết áp.
Cholesterol toàn phần hoặc cholesterol xấu cao gây ra bệnh gì?
Cholesterol cần thiết cho sự phát triển cơ thể. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol xấu lại có thể gây ra những vấn đề xấu của sức khỏe. Khi cholesterol máu cao, nhất là người ở độ tuổi trung niên trở lên có thể mắc một số bệnh. Đó là bệnh sỏi mật, đồng thời chúng cũng là thủ phạm gây ra triệu chứng đầy hơi, trướng bụng, chậm tiêu, đau tức hạ sườn phải, đặc biệt gây xơ vữa động mạch, từ đó làm hẹp động mạch hoặc tạo cục máu đông hoặc mảng xơ vữa động mạch bị bong ra làm tắc động mạch, đặc biệt là động mạch não gây tai biến mạch máu não (đột quỵ não), tắc động mạch vành tim sẽ gây nên nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim). Cholesterol xấu cao còn có thể gây nên các bệnh động mạch ngoại biên, thường gặp là tắc nghẽn động mạch ở chân do tích tụ mảng bám. Đối với cholesterol tốt có thể giúp cho thành động mạch mềm mại, từ đó giúp cho huyết áp ở trạng thái bình thường.
Ai dễ bị cholesterol cao?
Có một số yếu tố làm cho mắc cholesterol cao như chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo trans (mì ăn liền, thức ăn chiên, rán...), tiền sử gia đình. Đặc biệt là những người cận huyết mắc bệnh cholesterol cao hoặc người thừa cân, béo phì, hút thuốc, nghiện rượu, bia, người cao tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh, người lười vận động...
Phòng cholesterol xấu tăng cao trong máu
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý như hạn chế ăn mỡ động vật, da gà, vịt, phủ tạng động vật, tôm, trứng (1 tuần không ăn quá 3-4 quả trứng gà) vì chúng chứa nhiều cholesterol. Nên ăn nhiều cá (da, mỡ cá vẫn ăn được vì mỡ cá có chứa nhiều chất béo omega-3 rất tốt cho tim mạch). Vì vậy, mỗi tuần nên ăn 2-3 lần cá thay cho ăn thịt. Nên ăn các thức ăn có nguồn gốc từ đậu nành để thay thế một phần thịt động vật (đậu phụ). Cần tăng cường ăn rau trong các bữa ăn chính, ngoài ra nên ăn thêm trái cây.
Hàng ngày, nên vận động cơ thể bằng mọi hình thức thích hợp nhất (đi bộ, chơi cầu lông, tập thể dục nhẹ nhàng...). Thời gian vận động cơ thể tổng cộng khoảng 60 phút, chia làm 2-3 lần. Cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ để bác sĩ giám sát cholesterol máu giúp mình và có hướng xử trí khi cần thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét