Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Phương pháp nội soi cắt u lành tính tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt)

 Nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt là phương pháp phẫu thuật ít xâm hại và hiệu quả. Phẫu thuật được áp dụng cho các trường hợp u lành tính tuyến tiền liệt có biến chứng hoặc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, giúp bệnh nhân tránh được một cuộc mổ hở gây đau đớn, có nguy cơ mất máu và nằm viện lâu ngày.

1. U xơ tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt ở nam giới nằm dưới đáy bàng quang và bao quanh niệu đạo. Tuyến này tiết ra chất dịch hòa lẫn với tinh dịch, giúp bảo vệ tinh trùng và vận chuyển khi phóng tinh.

Khi mới sinh, tuyến tiền liệt có kích thước bằng hạt đậu. Tuyến này phát triển theo thời gian. Ở tuổi 20, tuyến có kích thước khoảng 15-20g. Giai đoạn từ 45 tuổi trở lên, tuyến tiền liệt phát triển không ổn định, kích thước có thể to dần gây nên hiện tượng phì đại lành tính tuyến tiền liệt hay còn được gọi khác là u xơ tuyến tiền liệt.

U xơ tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến ở đàn ông lớn tuổi. Sự tăng kích thước của tuyến tiền liệt có thể chèn ép vào niệu đạo và làm biến dạng cổ bàng quang, gây rối loạn tiểu biểu hiện bởi nhiều triệu chứng. Các triệu chứng kích thích như tiểu nhiều lần, tiểu nhiều về đêm, tiểu gấp. Các triệu chứng tắc nghẽn như: Khó đi tiểu, tiểu ngập ngừng, dòng tiểu yếu, tiểu không hết... Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị bí tiểu hoặc các rối loạn khác ở bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc các vấn đề về thận.

Hiện nay, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh u xơ tuyến tiền liệt. Bệnh thường có liên quan đến độ tuổi, tuổi càng lớn tần suất bệnh càng cao. Những người nam có hoạt động tình dục thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Ngoài ra, các yếu tố khác như: chế độ ăn (uống nhiều rượu bia, thức ăn cay, nhịn tiểu lâu), một số rối loạn gen di truyền cũng có liên quan đến bệnh này

Chữa u xơ tuyến tiền liệt

Sự tăng kích thước của tuyến tiền liệt có thể làm chèn ép vào niệu đạo và bàng quang

2. Chẩn đoán u xơ tuyến tiền liệt

Những người nam trên 40 tuổi, khi có rối loạn đi tiểu, không nên chủ quan mà hãy tới các cơ sở y tế chuyên môn để được chẩn đoán bệnh. Các phương pháp phát hiện u xơ tuyến tiền liệt:

  • Thăm trực tràng (sờ tuyến tiền liệt qua ngã trực tràng): giúp bác sĩ, đánh giá kích thước, mật độ tuyến liệt, phát hiện các nhân ung thư trong tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm PSA máu: PSA máu là một trong các chỉ số đánh giá nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Cần lưu ý, việc thăm khám tuyến tiền liệt qua trực tràng có thể làm tăng PSA trong máu, ngay cả ở những bệnh nhân không bị ung thư. Do đó, bác sĩ thường lấy máu trước khi thực hiện thủ thuật này. Cần lưu ý là không phải trường hợp nào cũng cần phải thử PSA.
  • Siêu âm tuyến tiền liệt qua ngã bụng hoặc trực tràng: được dùng để đo kích thước và khối lượng của tuyến tiền liệt. Một số biến chứng ở thận và bàng quang cũng có thể phát hiện như: thận ứ nước, sỏi bang quang, túi ngách trong bang quang...

3. Các phương pháp điều trị u xơ tuyến tiền liệt

Tuỳ vào mức độ triệu chứng rối loạn đi tiểu, các biến chứng do u xơ tuyến tiền liệt gây ra và các bệnh mạn tính phối hợp của người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị như sau:

  • Điều trị nội khoa: Phương pháp sử dụng thuốc nhằm làm cải thiện triệu chứng rối loạn đi tiểu và giảm nguy cơ cần phải phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc được áp dụng cho các trường hợp rối loạn đi tiểu ở mức trung bình hoặc nặng nhưng chưa có biến chứng ở thận và bàng quang.
  • Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật được áp dụng cho các trường hợp u tuyến tiền liệt có biến chứng như: bí tiểu tái phát, bàng quang có sỏi hoặc túi ngách, nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát, suy thận ngược dòng... hoặc khi có rối loạn đi tiểu mức độ nặng mà điều trị nội khoa không cải thiện. Tùy theo kích thước của tuyến tiền liệt mà bác sĩ sẽ chọn các phương pháp phẫu thuật phù hợp như: cắt đốt hay bốc hơi tuyến tiền liệt, bóc nhân tuyến tiền liệt... bằng một trong các loại năng lượng như điện lưỡng cực và laser,... Mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi bóc u được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt như: không thể phẫu thuật u xơ tuyến tiền liệt qua ngã niệu đạo hoặc u có kích thước > 100g.

4. Kỹ thuật nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt

                        

Kỹ thuật nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt



4.1 Nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt là gì?

Nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt qua ngã niệu đạo (TURP) được xem là kỹ thuật chuẩn trong điều trị u xơ tuyến tiền liệt. Phương pháp này thường áp dụng khi u xơ tuyến tiền liệt có trọng lượng nhỏ hơn 60 gam. Nếu u quá to thì thời gian mổ kéo dài, diện cắt lớn, chảy máu nhiều, tăng nguy cơ biến chứng.

Nếu u xơ tuyến tiền liệt có trọng lượng < 30g chỉ cần xẻ rãnh tuyến tiền liệt từ hai bên cổ bàng quang xuống gần ụ núi (TUIP) mà không cần phải cắt nhiều mộ tuyến tiền liệt.

Nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt là phương pháp điều trị có nhiều ưu điểm như an toàn, không có vết mổ, ít đau, phục hồi nhanh.

4.2 Thực hiện phẫu thuật

Đối với phương pháp nội soi cắt u lành tính tuyến tiền liệt qua niệu đạo:

Người bệnh được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật đưa dụng cụ nội soi từ niệu đạo vào tuyến tiền liệt và bàng quang. Các thùy của tuyến tiền liệt được cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ và được hút ra khỏi cơ thể. Diện cắt được đốt cầm máu bằng điện đơn cực hoặc lưỡng cực. Toàn bộ quá trình phẫu thuật được kiểm soát qua màn hình máy tính. Thời gian thực hiện phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút.

  • Ưu điểm:

Người bệnh không có vết mổ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, tỉ lệ biến chứng thấp. Thời gian nằm viện trung bình 2-3 ngày.

  • Nhược điểm:

Tuy phẫu thuật an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra các biến chứng như:

Thường gặp: Xuất tinh ngược dòng, tinh dịch không bắn ra ngoài theo đường tự nhiên mà chảy ngược vào bàng quang

Hiếm gặp: tiểu không tự chủ do bị tổn thương cơ thắt ngoài niệu đạo; Rối loạn cương do tổn thương thần kinh; Tổn thương lỗ niệu quản và vỏ tuyến tiền liệt; Hẹp niệu đạo; Viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn.

Đối với phương pháp xẻ rãnh tuyến tiền liệt:

Nội soi xẻ rảnh tiền liệt tuyến tiến hành tương tự phương pháp mổ nội soi cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sau khi đưa dụng cụ nội soi vào tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo, thay vì cắt bỏ mô tiền liệt tuyến, bác sĩ dùng dao điện nội soi tạo hai vết cắt nhỏ từ cổ bàng quang xuống niệu đạo gần ụ núi ở tuyến tiền liệt để mở rộng kênh bên trong đường tiểu. Điều này giúp cho nước tiểu đi qua dễ dàng hơn.

  • Ưu điểm:

Phương pháp này là sự lựa chọn cho những người bệnh u xơ tuyến tiền liệt khi trọng lượng khối u tuyến tiền liệt nhỏ (khoảng dưới 30g).

  • Nhược điểm:

Phương pháp này không điều trị triệt để u xơ tuyến tiền liệt, có thể phải thực hiện lại khi u xơ tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển.

4.3 Sau phẫu thuật

Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân được rửa bàng quang liên tục qua ống thông tiểu (ống thông niệu đạo bàng quang). Ống thông niệu đạo thường được rút ra sau 3 ngày. Bệnh nhân sẽ ra viện khi có thể tiểu được sau khi rút ống thông, nước tiểu trong hoặc có ít máu không đáng kể trong nước tiểu. Bệnh nhân khám lại với bác sĩ điều trị sau 1 tháng. Trong khoảng thời gian này bạn cần uống nhiều nước, trung bình từ 2 đến 3 lít nước hàng ngày để rửa sạch bàng quang.

Trong vài tuần đầu sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như: tiểu gấp, tiểu buốt, tiểu nhiều lần... kéo dài vì đây là thời gian liền sẹo. Trong thời gian này, bệnh nhân không nên quan hệ tình dục và hạn chế đi xe đạp hoặc xe máy. Không nên uống nhiều rượu bia và thức ăn có nhiều gia vị. Nếu có đái máu đỏ tươi, có máu cục hay bí đái cần đến bệnh viện ngay để được đặt thông tiểu và bơm rửa bàng quang.

Nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt là phương pháp phẫu thuật an toàn, hiệu quả trong điều trị u xơ tuyến tiền liệt, giúp người bệnh nhanh chóng bình phục trở lại cuộc sống bình thường.




Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Tìm hiểu về bệnh nam khoa thường gặp

 Tìm hiểu về bệnh nam khoa rất cần thiết để nam giới có thể phát hiện và điều trị kịp thời, giúp hạn chế những biến chứng sau này. Các loại bệnh nam khoa thường gặp như: vô sinh, viêm tiền liệt tuyến, viêm bao quy đầu, viêm bàng quang, rối loạn cương dương,... sẽ được tìm hiểu cụ thể dưới đây.

Viêm tuyến tiền liệt bệnh nam khoa thường gặp

Bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi trưởng thành, gây nhiều phiền toái tới sinh hoạt thường ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống. Triệu chứng chủ yếu của bệnh này gồm có:

  • Đau hoặc khó chịu vùng tầng sinh môn, tinh hoàn, bụng, niệu đạo, thắt lưng, vùng chậu, hậu môn, háng, dương vật;
  • Khó tiểu, tiểu lắt nhắt hoặc không hết nước tiểu, đau buốt khi tiểu, nước tiểu có màu bất thường;
  • Đời sống tình dục thay đổi.

Hẹp bao quy đầu bệnh nam khoa thường gặp

Hẹp bao quy đầu là tình trạng thắt hẹp đoạn cuối da quy đầu, không thể kéo tuột hoàn toàn khỏi quy đầu được. Tình trạng này hầu hết là bình thường ở trẻ sơ sinh và sẽ biến mất khi trẻ lớn. Tuy nhiên, nếu hẹp bao quy đầu xảy ra mà không tự biến mất có thể gây các triệu chứng như:

  • Tiểu khó (rặn, đỏ mặt khi tiểu) có thể ảnh hưởng đến chức năng thận nếu không được điều trị;
  • Bao quy đầu sưng phồng và viêm nhiễm (sưng, nóng, đỏ, đau) có thể chảy dịch hoặc chảy mủ bất thường.
Khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được

Hẹp bao quy đầu gây tiểu khó, 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh bệnh nam khoa thường gặp

Đây là dạng bệnh lý do máu ứ đọng ở hệ thống tĩnh mạch xung quanh tinh hoàn lâu ngày làm các tĩnh mạch giãn ra khiến lượng máu nuôi tới tinh hoàn bị hạn chế, gây tổn thương đến chức năng của tinh hoàn.

Các biểu hiện của giãn tĩnh mạch tinh hoàn thường không rõ ràng chủ yếu là cảm giác tức nặng, khó chịu hoặc đau tinh hoàn, đặc biệt khi vận động quá nhiều hoặc đứng, ngồi lâu.

Tỷ lệ thanh niên khỏe mạnh bị giãn tĩnh mạch là khoảng 15% và tăng lên đến 40% ở những người vô sinh. Bệnh không ngoại trừ bất cứ lứa tuổi nào nhưng xảy ra chủ yếu ở nam giới trưởng thành.

Xuất tinh sớm bệnh nam khoa thường gặp

Đây là dạng bệnh lý thường gặp ở nam giới với biểu hiện người bệnh hầu như không có khả năng kiềm chế xuất tinh, dẫn tới cảm giác khó chịu, chán quan hệ và ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân.

Tuy nhiên bệnh có thể chữa được nếu điều trị sớm. Xuất tinh sớm do yếu tố tâm lý có thể tự khắc phục nhưng nếu tình trạng kéo dài thì cần được chẩn đoán và điều trị của các bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không nên uống thuốc tùy tiện.

Hiếm muộn bệnh nam khoa thường gặp

Hiếm muộn là tình trạng các cặp đôi chung sống và quan hệ đều đặn không có các biện pháp bảo vệ trong 1 năm nhưng vẫn chưa có con. Bệnh lý hiếm muộn cũng khá phổ biến trong xã hội hiện nay với nguyên nhân có thể tới từ cả vợ lẫn chồng. Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị.

Vợ chồng

Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật không thể cương cứng 

Rối loạn cương dương bệnh nam khoa thường gặp

Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật không thể cương cứng hoặc cương cứng không hoàn toàn, hoặc thời gian quá ngắn không đủ để thực hiện giao phối. Bệnh cảnh này có thể dẫn tới liệt dương. Tuy bệnh không quá nguy hiểm tới sức khỏe nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống gia đình, niềm tin và bản lĩnh của đàn ông. Nếu phát hiện bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.

Viêm niệu đạo bệnh nam khoa thường gặp

Viêm niệu đạo là tình trạng bệnh lý viêm diễn ra ở ống niệu đạo do các nguyên nhân nhiễm khuẩn cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng như viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm tinh hoàn,... Triệu chứng chủ yếu của viêm niệu đạo gồm:

  • Tiểu buốt, tiểu rát, kích thích tiểu nhiều lần;
  • Cảm giác đau dọc vùng đường tiểu, có thể chảy dịch vàng, đục hoặc hôi ở lỗ tiểu.

Nấm bẹn bệnh nam khoa thường gặp

Đây là dạng bệnh lý ở một khu vực khá nóng và ẩm ướt của cơ thể, là môi trường lý tưởng cho nấm phát triển. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè với các đợt nắng nóng kéo dài. Triệu chứng của bệnh gồm có:

  • Ngứa ở vùng kín, vùng bẹn đùi trong và lan về phía mông hoặc xung quanh hậu môn;
  • Tổn thương tạo thành mảng có bờ viền rõ rệt, có vảy và mụn nhỏ lấm tấm ở xung quanh viền. Khu vực tổn thương thường sẫm màu và xuất hiện ở cả 2 bẹn.

Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bệnh nam khoa là nhóm bệnh lý thuộc về bộ phận sinh dục của nam giới gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như đời sống tình dục. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy tỷ lệ nam giới mắc các bệnh lý về nam khoa đang ngày càng tăng. Tuy nhiên do là một vấn đề tế nhị nên người mắc thường ngại chia sẻ và càng làm cho tình trạng bệnh trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống hôn nhân, gia đình.

Nam giới khi thấy mình có dấu hiệu của bất cứ loại bệnh nam khoa nào nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác nhất tình trạng đang mắc phải và có biện pháp can thiệp kịp thời, không nên chủ quan hoặc ngại thăm khám

Xuất tinh sớm ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng sinh sản

 Xuất tinh sớm là một hiện tượng không hiếm gặp ở nam giới, nhưng do tâm lý ngại ngùng, tự ti nên rất ít quý ông bày tỏ điều này với bạn tình để được thông cảm hoặc đi khám bác sĩ để tìm cách giải quyết, dẫn tới những hậu quả khó lường về tâm lý và sức khỏe sinh sản.

1. Xuất tinh sớm là gì?

Xuất tinh sớm (tảo tiết) là tình trạng nam giới đạt cực khoái sớm hơn so với mong muốn của họ cũng như bạn đời, thường xảy ra ở đối tượng bị stress hoặc rối loạn cương dương trong bất cứ độ tuổi nào.

Bệnh được định nghĩa là tình trạng luôn luôn hoặc hầu như xuất tinh trong vòng một phút kể từ khi đưa dương vật vào âm đạo, việc không thể kiểm soát xuất tinh sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của đàn ông, tạo sự tự ti, căng thẳng, bực bội cũng như né tránh trong việc quan hệ.

2. Các dạng xuất tinh sớm

Xuất tinh sớm theo thói quen: Đây là tình trạng xuất tinh quá nhanh theo thói quen và thời gian sinh hoạt tình dục quá ngắn, gặp ở bệnh nhân xuất tinh sớm có ham muốn tình dục quá mạnh, dương vật cương cứng có lực, đa số gặp ở độ tuổi thanh niên.

Xuất tinh ngẫu nhiên: Triệu chứng xuất tinh ở bệnh nhân thường có biến động lớn, đồng thời có thể xuất hiện trong tình trạng cơ thể mệt mỏi mà phát sinh xuất tinh sớm cấp tính, thường có kèm chứng cương dương vô lực.

Xuất tinh sớm ở tuổi già: Nếu bệnh nhân lớn tuổi có xuất tinh sớm thì có thể do chức năng sinh dục suy giảm dẫn tới triệu chứng này, thường là giảm ham muốn tình dục và dương vật cương cứng vô lực.

                             Bệnh nam giới

                                     Xuất tinh sớm theo thói quen thường gặp ở độ tuổi thanh niên

3. Ảnh hưởng của xuất tinh sớm đến tâm lý và sinh sản

Về phương diện tâm lý thì xuất tinh sớm ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần người bệnh như:

  • Gây ra các bệnh lý rối loạn cương dương, liệt dương, tinh thần không ổn định và ảnh hưởng đến công việc thường ngày;
  • Cuộc sống gia đình, vợ chồng gặp trắc trở vì xuất tinh sớm khiến cho cuộc sống chăn gối không đạt đến sự khoái cảm cần thiết và lâu ngày có thể dẫn tới gia đình tan vỡ;
  • Việc người đàn ông tự ti và người phụ nữ không đạt được khoái cảm trọn vẹn cũng ảnh hưởng đến cơ thể gây mệt mỏi, làm rạn nứt mối quan hệ vợ chồng. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân phổ biến gây nên hiếm muộn.

Về phương diện sinh sản thì xuất tinh sớm không trực tiếp gây nên vô sinh ở nam giới nhưng một số ca bệnh nặng có biến chứng hoặc xuất tinh sớm trước khi dương vật vào âm đạo thì có thể gây vô sinh.

U xơ tiền liệt tuyến

Xuất tinh sớm có thể gây rối loạn cương dương

4. Các phương pháp điều trị xuất tinh sớm

Sử dụng liệu pháp để chữa xuất tinh sớm bằng tâm lý và hành vi:

  • Giao hợp ngắt quãng (Start-Stop): Liệu pháp này thực hiện bằng cách bạn tình kích thích dương vật cho đến khi gần xuất tinh thì dừng lại cho cảm giác xuất tinh đi qua và lặp lại thao tác 3 lần cho đến khi xuất tinh;
  • Bóp quy đầu: Bạn tình miết quy đầu để cảm giác xuất tinh đi qua tương tự như trên.

Sử dụng thuốc để điều trị: Bên cạnh việc sử dụng thuốc cũng cần phối hợp với liệu pháp tâm lý hành vị để có được hiệu quả tức thì:

  • Thuốc tê quy đầu tại chỗ: Có hiệu quả tạm thời nhưng có thể gây tác dụng phụ là nóng rát quy đầu và ảnh hưởng thuốc tê đến bạn tình;
  • Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin: Tùy tình trạng bệnh và loại thuốc có thể kéo dài thời gian xuất tinh trong tâm đạo từ 2 - 10 lần nhưng một liệu trình thường kéo dài đến vài tháng;
  • Bệnh nhân cần sử dụng cả thuốc điều trị rối loạn cương dương nếu có tình trạng này kèm theo.

Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật cắt dây thần kinh lưng dương vật hiện vẫn chưa được khuyến cáo nhưng đang được nghiên cứu và đánh giá rất hiệu quả. Cần lưu ý việc cắt bao quy đầu không có cải thiện gì với tình trạng xuất tinh sớm.





Dấu hiệu bị rối loạn cương dương ảnh hưởng đến đời sống tình dục

 Rối loạn cương dương là bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống tình dục của nam giới, dẫn đến cuộc sống hôn nhân không êm đẹp. Các quý ông cần nhận biết những dấu hiệu của rối loạn cương dương và đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

1. Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật không thể hoặc khó duy trì được sự cương cứng trong thời gian đủ để giao hợp. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào gây giảm cảm hứng tình dục dẫn tới sự khó chịu và ảnh hưởng tới hạnh phúc hôn nhân, gia đình.

Trong thực tế, rối loạn cương dương có nguy cơ xảy ra cao hơn ở người đàn ông lớn tuổi, khoảng một nửa số đàn ông ở độ tuổi 65 và 3/4 đàn ông ở độ tuổi 80 mắc chứng rối loạn cương dương

2. Biểu hiện của rối loạn cương dương

Bệnh nhân có thể nhận biết rối loạn cương dương thông qua bốn nhóm triệu chứng sau:

  • Mất hoàn toàn sự khao khát và nhu cầu về tình dục, dương vật hoàn toàn mềm và không thể đáp ứng nhu cầu sinh lý bình thường của người vợ;
  • Một số trường hợp mặc dù vẫn có khao khát tình dục nhưng khi tiếp xúc với phụ nữ dù dùng tất cả các biện pháp kích thích nhưng không thể cương cứng được;
  • Dương vật cương cứng thất thường, không theo nhu cầu của chủ nhân;
  • Dương vật cương cứng nhưng không đủ thời gian để giao hợp, khi đưa vào cơ thể phụ nữ thì tự mềm ra và mọi hưng phấn âm thầm biến mất.

3. Nguyên nhân gây rối loạn cương dương là gì?

Mặc dù việc nhận biết và chẩn đoán rối loạn cương dương khá dễ dàng nhờ vào các triệu chứng cụ thể nhưng việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh lại khó khăn vì mỗi người bệnh thường có một nguyên nhân riêng biệt. Có bốn nhóm nguyên nhân thường gặp như sau:

  • Suy giảm lượng nội tiết tố testosterone trong máu;
  • Nguyên nhân do thần kinh: Bệnh khởi phát từ các viêm dây thần kinh; nhiễm độc thần kinh do thuốc lá, rượu, ma túy, hóa chất; bệnh tiểu đường hoặc tổn thương sau phẫu thuật vùng tiểu khung... khiến cho đường dẫn truyền tín hiệu từ não bộ tới ngoại vị bị rối loạn;
  • Nguyên nhân do rối loạn vận chuyển mạch máu: Tác động tưới máu cho dương vật hoặc thoát máu quá nhanh qua tĩnh mạch vùng dương vật;
  • Nguyên nhân do tâm lý: Bệnh nhân có thể bị một tai nạn hoặc chấn động về tinh thần trong cuộc sống dẫn tới ám ảnh, mặc cảm bất lực.

4. Cách phòng ngừa rối loạn cương dương

Nam giới, đặc biệt là ở đàn ông lớn tuổi, cần phải xây dựng một lối sống lành mạnh để phòng tránh rối loạn cương dương thông qua những việc làm cụ thể sau:

  • Sinh hoạt, ăn uống điều độ, không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia;
  • Tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc một môn thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe thể chất của mình;
  • Tránh các tác nhân buồn phiền, lo âu để giữ tinh thần lạc quan;
  • Tìm được sự đồng cảm của bạn đời;
  • Cần đi khám ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng để được chẩn đoán và xử trí sớm.


Nam giới cần đi khám nếu có triệu chứng rối loạn cương dương

5. Rối loạn cương dương điều trị như thế nào?

Khi đã được chẩn đoán mắc rối loạn cương dương bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ với một số phương pháp như: dùng thuốc uống, chèn hoặc tiêm vào dương vật, dùng thiết bị bơm chân không và liệu pháp tâm lý.

Thuốc uống: Các loại thuốc uống sẽ giúp tăng lưu lượng máu đến dương vật. Loại thuốc phổ biến nhất là thuốc chứa phosphodiesterase giúp điều trị rối loạn cương dương đạt hiệu quả ở 60 - 75% các trường hợp bệnh. Thuốc được sử dụng 1 giờ trước khi sinh hoạt tình dục và cho thấy hiệu quả cao, tuy nhiên không nên sử dụng nhiều hơn 1 lần/ ngày

Thuốc tiêm hoặc chèn vào dương vật: Thuốc sẽ giúp mở rộng động mạch và tăng lưu lượng máu đến dương vật nhưng có thể kèm một số tác dụng phụ như choáng váng, cảm giác nóng bỏng dương vật hoặc cương cứng kéo dài gây đau đớn. Khi sử dụng liều đầu tiên cần có sự theo dõi kỹ lưỡng của bác sĩ. Đây là phương pháp hiệu quả để đạt được sự cương cứng lên đến 80 - 90%. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng muốn tiêm vào dương vật vì có khả năng để lại mô sẹo nếu tiêm nhiều lần.

Liệu pháp thay thế testosterone: Đây là phương pháp điều trị cho rối loạn cương dương có nguyên nhân do nồng độ testosterone quá thấp. Có nhiều hình thức cho phương pháp này như: miếng dán, kem bôi hoặc tiêm trực tiếp. Tuy nhiên tác dụng phụ có thể xuất hiện gồm rối loạn gan và tăng nguy cơ đột quỵ.

Thiết bị co thắt và thiết bị hút chân không:

  • Thiết bị co thắt: Được đặt vào dương vật như dây, vòng kim loại, cao su giúp tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc vì có khả năng làm chậm dòng chảy của máu;
  • Thiết bị hút chân không: Có tác dụng tăng khả năng hút máu vào dương vật để tạo ra sự cương cứng. Tuy nhiên thiết bị này khá cồng kềnh và có thể gây tổn thương dương vật cũng như khó khăn khi xuất tinh.

Phương pháp tâm lý: Đây là phương pháp nhằm cải thiện các yếu tố tâm lý như tinh thần và cảm xúc, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc rối loạn cương dương.



Những tiêu chí đánh giá xuất tinh sớm

 Xuất tinh sớm gây ra sự hụt hẫng về tâm lý cũng như khiến người đàn ông tự ti, né tránh quan hệ tình dục dẫn tới rạn nứt trong cuộc sống vợ chồng và hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, bản thân người bệnh cũng dễ mệt mỏi, giảm khoái cảm tình dục, tinh thần không tốt và ảnh hưởng tới công việc. Cần đánh giá sớm một cách chính xác tình trạng xuất tinh sớm dựa vào các tiêu chí dưới đây để có biện pháp can thiệp kịp thời.

1. Xuất tinh sớm là gì?

Xuất tinh sớm là tình trạng người đàn ông không kìm hãm và làm chủ được thời gian xuất tinh khiến xuất tinh sớm hơn hoặc trong 1 phút khi đưa dương vật vào âm đạo.

Xuất tinh sớm khá phổ biến ở nam giới, tuy nhiên ít được đề cập tới vì là vấn đề nhạy cảm khiến bệnh nhân ngại bày tỏ. Việc giấu giếm bệnh, không đi khám trong khi bản thân lại không đủ kiến thức chuyên môn để hiểu và đối phó với nó khiến nam giới dễ gặp những biến chứng nguy hiểm như rối loạn cương dương, liệt dương, thậm chí vô sinh.

2. Các mức độ của xuất tinh sớm

Xuất tinh sớm có ảnh hưởng đến sinh sản

Xuất tinh sớm có thể được chia thành 3 mức độ 

Xuất tinh sớm có thể được chia thành 3 mức độ dựa vào thời gian xuất tinh của nam giới sau khi đưa dương vật vào âm đạo:

  • Xuất tinh sớm nhẹ: Là xuất tinh chỉ sau 30 giây đến 1 phút sau khi dương vật thâm nhập vào âm đạo;
  • Xuất tinh sớm vừa phải: Là xuất tinh sau khoảng 15-30 giây sau khi đưa dương vật thâm nhập vào âm đạo;
  • Xuất tinh sớm nặng: Là hiện tượng xuất tinh trước khi quan hệ tình dục, khi mới bắt đầu quan hệ tình dục hoặc trong vòng 15 giây sau khi đưa dương vật vào âm đạo.

3. Tiêu chí để đánh giá xuất tinh sớm


Để đánh giá xuất tinh sớm thì có thể dựa theo các tiêu chí của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ được nhiều chuyên gia sử dụng, gồm:

  • Tỷ lệ xuất tinh trong vòng 1 phút sau khi dương vật thâm nhập vào âm đạo chiếm từ 75-100% các lần quan hệ;
  • Các rối loạn kéo dài trong ít nhất 6 tháng kể từ triệu chứng đầu tiên;
  • Tình trạng trên là nguyên nhân khiến bản thân căng thẳng và lo lắng.

Bên cạnh đó, có một số bảng đánh giá đang được sử dụng để xác định tình trạng xuất tinh sớm của người bệnh, tiêu biểu là bảng PEDT (Premature Ejaculation Diagnostic Tool) gồm 5 câu hỏi với thang điểm từ 0-4 với mức độ tăng dần:

  1. Khi quan hệ, việc trì hoãn xuất tinh đối với anh là khó hay dễ, ở mức nào?
  2. Trong vòng 6 tháng qua, khi quan hệ, những lần anh bị xuất tinh sớm là nhiều hay ít, như thế nào?
  3. Có bao giờ khi quan hệ, chỉ với rất ít kích thích cũng khiến anh bị xuất tinh không?
  4. Anh có thấy thất vọng vì bị xuất tinh trước khi anh muốn không?
  5. Anh có lo lắng rằng thời gian xuất tinh của mình sẽ khiến vợ/bạn gái cảm thấy chưa được thỏa mãn hay không?

Đánh giá kết quả dựa trên điểm như sau:

  • Tổng điểm < 8: Không có tình trạng xuất tinh sớm;
  • Tổng điểm 9-10: Có nguy cơ xuất tinh sớm;
  • Tổng điểm > 11: Có xuất tinh sớm.

Để xác định rõ nhất tình trạng xuất tinh sớm của bản thân, nam giới nên gạt bỏ tâm lý e ngại để đi thăm khám bác sĩ tại các bệnh viện uy tín. Ngoài ra quý ông cũng cần bày tỏ rõ ràng với bạn tình để được cảm thông, tránh giấu giếm khiến quan hệ tình cảm trở nên nguội lạnh, dễ rạn nứt.

Hiểu biết đầy đủ về cấu tạo âm đạo

 Trên thực tế, nhiều người vẫn ngại ngùng và lúng túng khi nhắc đến “âm đạo”, thậm chí là xấu hổ nếu như tìm hiểu về bộ phận này. Điều này vô tình khiến cho cấu tạo âm đạo chưa được hiểu biết đầy đủ, đôi khi một số sự thật khác vẫn bị hiểu nhầm.

1. Cấu tạo âm đạo

Âm đạo là một phần mô cơ và ống của bộ phận sinh dục nữ, là một đường kênh hẹp, được cấu tạo bởi các cơ và bắt đầu dẫn từ cổ tử cung ra đến bên ngoài cơ thể. Bên ngoài cửa âm đạo được bao phủ một phần bởi một lớp màng mỏng, được gọi là màng trinh. Tận cùng bên trong là khu vực cổ tử cung nối liền với âm đạo.

Nhiều người nhầm lẫn rằng âm đạo bao gồm cả một số bộ phận khác như môi âm hộ và âm vật. Trên thực tế, các bộ phận này thuộc một phần của âm hộ và nằm ngoài cấu tạo âm đạo, cụ thể:

  • Môi âm hộ: Bao gồm hai môi lớn và môi bé bao quanh lỗ âm đạo;
  • Âm vật: Là khu vực rất nhạy cảm nằm gần đỉnh âm hộ, còn có tên gọi dân gian là hột le hay mồng đốc.

Âm đạo là cơ quan quan trọng, giúp người phụ nữ có thể quan hệ tình dục với bạn tình và thực hiện chức năng sinh sản. Ngoài ra, đây cũng là nơi kinh nguyệt chảy ra định kỳ hàng tháng theo chu kỳ kinh nguyệt.



Môi âm hộ

2. Hình dạng và kích thước âm đạo

Nghiên cứu chỉ ra rằng, không có kích thước hoặc hình dạng tiêu chuẩn nào cho cấu tạo âm đạo của một người phụ nữ. Điều này đồng nghĩa âm đạo của cả hai người nữ bất kỳ và đều trong độ tuổi sinh sản sẽ có nhiều sự khác biệt. Các yếu tố như tuổi tác và chiều cao có ảnh hướng đến kích thước âm đạo của nữ giới trưởng thành.

3. Quần lọt khe có thể không vệ sinh

Không giống như các loại đồ lót khác, phía sau quần lọt khe là một dây vải nằm sát vào da hậu môn. Thiết kế này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và phân từ trực tràng xâm nhập vào âm đạo cũng như đường tiết niệu trong trường hợp sợi dây vải trượt về phía trước. Do đó, bạn nữ đặc biệt không nên sử dụng quần lót lọt khe nếu đang bị tiêu chảy hoặc gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa khác.

4. Điểm G có nằm trong âm đạo?



Chưa có bằng chứng chứng minh sự tồn tại của điểm G

Không có bằng chứng chứng minh được điểm G thực sự có tồn tại về mặt vật lý. Năm 1950, bác sĩ người Đức Ernst Grafenberg cho rằng một khu vực cụ thể trên thành phía trước của âm đạo rất nhạy cảm khi được chạm vào, nếu kích thích vị trí này có thể mang lại cực khoái ở nữ giới. Tuy nhiên cho đến nay các chuyên gia vẫn tiếp tục tranh luận về sự tồn tại của điểm G trên thành âm đạo và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

5. Thời gian thay tampon mới tối đa là 8 giờ

Để một tampon trong âm đạo lâu hơn 8 giờ có thể dẫn đến hội chứng sốc độc tố (TSS) - một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Các triệu chứng của hội chứng sốc độc tố bao gồm:

  • Sốt cao;
  • Choáng váng hoặc ngất xỉu;
  • Phát ban như bị cháy nắng;
  • Nôn hoặc tiêu chảy;
  • Yếu hoặc đau cơ dữ dội;
  • Sưng tấy đỏ ở mắt, miệng, cổ họng và âm đạo;
  • Đau đầu và mất phương hướng.

6. Không nên thụt rửa âm đạo

Các bác sĩ không khuyến khích hành động thụt rửa âm đạo vì ba lý do chính sau:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men do mất cân bằng pH âm đạo;
  • Khiến tử cung và các cơ quan vùng chậu khác bị lây nhiễm trùng;
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

Thực chất những mùi khó chịu ở vùng kín đều xuất phát từ âm hộ - một bộ phận nằm bên ngoài âm đạo. Do đó, bạn nữ chỉ cần giữ âm hộ sạch sẽ bằng nước và dung dịch rửa vùng kín chuyên dụng để ngăn chặn mùi hôi, đồng thời tránh được các bệnh nhiễm trùng.

7. Dịch tiết âm đạo



Dịch tiết âm đạo

Dịch tiết âm đạo sẽ thay đổi về số lượng, màu sắc, và đặc tính trong suốt tháng chu kỳ của nữ giới. Đôi khi chúng trong suốt hoặc có màu trắng đục với mùi âm đạo bình thường; có thể đặc như kem, dính hoặc tương tự như lòng trắng trứng, tùy thuộc vào từng giai đoạn của chu kỳ mà bạn nữ đang trải qua bên trong cơ thể.

8. Lợi ích từ các bài tập Kegel

Kegels là những bài tập siết chặt các cơ xung quanh âm đạo, tương tự như động tác cố gắng ngăn chặn dòng nước tiểu. Còn được gọi là các bài tập sàn chậu, Kegels có thể giúp:

  • Ngăn ngừa tình trạng són tiểu, són phân hoặc kiểm soát “xì hơi” bằng cách giữ tử cung, niệu đạo và ruột không sa vào cấu tạo âm đạo;
  • Tăng cường các cơ âm đạo và xương chậu, nhằm cải thiện khả năng đạt cực khoái.

9. Dấu hiệu viêm âm đạo

Dấu hiệu viêm âm đạo, âm hộ hoặc cổ tử cung do mất cân bằng môi trường bên trong bộ phận sinh dục bao gồm:

  • Tăng tiết dịch bất thường;
  • Thay đổi mùi của dịch tiết;
  • Ngứa hoặc kích thích xung quanh âm đạo.

Những nguyên nhân gây viêm có thể là do thụt rửa sâu, kích ứng với mỹ phẩm vùng kín, mang thai, nhiễm trùng hoặc kháng sinh.

10. Đau khi quan hệ tình dục

Gần 3/4 phụ nữ sẽ bị đau khi giao hợp vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến nữ giới bị đau khi quan hệ tình dục, do đó nên tìm đến sự hỗ trợ và tư vấn từ bác sĩ nếu tình trạng này kéo dài và gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Ngoài ra, Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ cũng đưa ra một số lời khuyên nhằm cải thiện cảm giác đau khi quan hệ như sau:

  • Sử dụng chất bôi trơn;
  • Quan hệ tình dục khi cả hai đều cảm thấy thoải mái;
  • Thử những cách quan hệ không gây đau đớn;
  • Dành thời gian cho màn dạo đầu, kích thích như massage.

11. Sinh mổ và sinh thường

Nếu một phụ nữ đã từng sinh con bằng cách mổ bắt thai nhi, họ vẫn có thể sinh thường qua đường âm đạo ở những lần mang thai sau đó. Một số tiêu chí phải được đáp ứng để quyết định thai phụ nên sinh mổ (TOLAC) hay cố gắng sinh thường. Theo số liệu thống kê, khoảng 60 - 80% phụ nữ chọn sinh mổ vẫn có khả năng sinh thường qua đường âm đạo.

Tóm lại, âm đạo là một phần rất quan trọng đối với quá trình sinh sản của loài người, cũng như đóng vai trò chính nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của cả nam lẫn nữ. Hiểu biết đầy đủ hơn về cấu tạo âm đạo cũng như các thông tin liên quan khác là cách giúp các bạn nữ có hướng chăm sóc và bảo vệ vùng kín phù hợp.

Những tiêu chuẩn để chẩn đoán bại não thể co cứng

 Bại não là thuật ngữ chỉ một nhóm tình trạng bệnh lý do tổn thương thần kinh trung ương không tiến triển theo thời gian, gây nên bởi các nguyên nhân trước sinh, trong và sau sinh cho đến dưới 5 tuổi, gây nên tình trạng đa tàn tật về vận động, tinh thần, giác quan và hành vi... để lại hậu quả nặng nề không những cho chính bản thân trẻ, gia đình các em mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Dựa vào triệu chứng lâm sàng, bại não được phân làm các thể bệnh sau:

  • Thể co cứng;
  • Thể múa vờn;
  • Thể thất điều (mất điều phối);
  • Thể nhẽo (giảm trương lực);
  • Thể phối hợp (thường phối hợp giữa thể co cứng và múa vờn).

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán bại não thể co cứng

Khi bệnh nhân khám bệnh được chẩn đoán bị bại não thể co cứng, ngoài việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử và khám lâm sàng để tìm hiểu và xác định nguyên nhân bại não, các bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số thăm dò chức năng cần thiết như: chụp cộng hưởng từlàm điện não đồ, siêu âm não qua thóp, thực hiện các đánh giá tâm lý... để tìm hiểu nguyên nhân bệnh và đánh giá khả năng nhận thức của bệnh nhân.

Các tiêu chuẩn trong chẩn đoán bại não thể co cứng gồm:

  • Tăng trương lực cơ ở các chi bị tổn thương xảy ra khi trẻ cố gắng cử động, đặc biệt khi giữ thăng bằng, triệu chứng này rất rõ ràng ở những trẻ co cứng nặng. Ở trẻ bại não thể co cứng nặng, các cơ trong trạng thái đồng co cơ, nghĩa là tất cả các cơ ở chi và thân mình đều co cứng;
  • Giảm khả năng vận động riêng biệt tại từng khớp;
  • Dấu hiệu tổn thương hệ tháp;
  • Tăng phản xạ gân xương ở các chi bị tổn thương do tăng trương lực cơ;
  • Có các phản xạ nguyên thuỷ ở trẻ trên sáu tháng tuổi và phản xạ bệnh lý. Các phản xạ bình thường ở trẻ nhỏ thường biến mất trước khi bé được 6 - 12 tháng tuổi. Các bác sĩ có thể kiểm tra lịch sử bệnh của bé và cố gắng loại trừ những rối loạn khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
  • Có thể có rối loạn điều hoà cảm giác;
  • Có thể bị liệt các dây thần kinh sọ não;
  • Các dấu hiệu khác: rung giật bàn chân, co rút tại các khớp, cong vẹo cột sống, động kinh....;
  • Chậm phát triển trí tuệ ở các mức độ khác nhau.
Bại não thể co cứng
Có những tiêu chuẩn nào để chẩn đoán bại não thể co cứng?

2. Chẩn đoán bệnh bại não thể co cứng bằng chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ thường quy:

Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh (tractography) hay chụp cộng hưởng từ khuếch tán sức căng (DTI - Diffusion Tensor Imaging) là một kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, áp dụng trong chẩn đoán bệnh lý thần kinh để chẩn đoán nguyên nhân bại não khi nghi ngờ có tổn thương sợi trục hoặc cần tìm liên quan giữa tổn thương và sợi trục để tránh tổn thương sợi trục khi can thiệp vào tổn thương.

2.1. Chỉ định

  • Các bệnh lý u não xâm lấn hoặc nằm cạnh các bó sợi trục;
  • Trường hợp cần chẩn đoán bại não thể co cứng nghi ngờ tổn thương sợi trục;
  • Xơ cứng đa ổ, tổn thương chất trắng trong bệnh nhồi máu, chảy máu,...;
  • Các tổn thương dị dạng mạch máu não, cần tìm mối liên quan vùng dị dạng với bó sợi trục;
  • Dị dạng bẩm sinh: lạc chỗ chất xám, bệnh não chẻ....;
  • Động kinh.

2.2. Chống chỉ định

Việc chụp cộng hưởng từ không được thực hiện trong một số trường hợp sau:

  • Các chống chỉ định cộng hưởng từ nói chung;
  • Bệnh nhân mang trong mình máy tạo nhịp tim không được phép chẩn đoán bại não bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ;

Một lưu ý trong quá trình chụp cộng hưởng từ là bệnh nhân cần tháo bỏ những đồ trang sức và những dụng cụ kim loại có từ tính trên người. Vì vậy trước khi chụp cộng hưởng từ, người bệnh cần báo cáo với bác sĩ, kỹ thuật viên về những phương tiện hỗ trợ mang trên người để có giải pháp cụ thể cho từng trường hợp.

2.3. Ưu điểm

  • Hình ảnh khuếch tán theo lực là kỹ thuật hình ảnh phát triển từ hình ảnh chụp cộng hưởng từ khuếch tán đơn giản. Kỹ thuật này cho phép xác định hướng cũng như độ lớn của sự khuếch tán;
  • Khả năng phát hiện đường đi của các bó sợi thần kinh trong não sử dụng hình ảnh khuếch tán theo lực được gọi là hình bó sợi thần kinh. Hình bó sợi thần kinh cho phép tạo ra hình ảnh hai hay ba chiều của hệ thống các sợi thần kinh não;
  • Trong u não, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ cho phép xác định sự xâm lấn hay đè đẩy các bó sợi thần kinh, liên quan u não và các sợi thần kinh các thông tin rất quan trọng chẩn đoán bại não thể co cứng;

Chụp cộng hưởng từ khuếch tán cung cấp thêm các thông tin quan trọng về nhiều quá trình bệnh lý ở sọ não mà cộng hưởng từ thường quy không thể hoặc rất khó đánh giá như trong bệnh lý u, viêm, rối loạn chất trắng...