Progesterone là gì?
Progesterone là hormone sinh dục nữ, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng sau khi rụng trứng xảy ra. Đây là hormone quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt và đặc biệt là chuẩn bị cho quá trình mang thai ở người phụ nữ.
Kể từ khi bắt đầu dậy thì, mỗi tháng buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng. Nếu thụ tinh không xảy ra, hoàng thể - một tuyến nội tiết có nhiệm vụ sản xuất hormone, trong đó có progesterone - bị phá vỡ, dẫn tới nồng độ progesterone giảm đi, đến một mức độ nào đó sẽ không còn đủ để duy trì lớp niêm mạc tử cung khiến chúng vỡ ra và tạo thành kinh nguyệt.
Nếu thụ tinh xảy ra, progesterone sẽ tiếp tục làm dày thêm lớp niêm mạc tử cung, kích thích các tuyến tiết ra chất dinh dưỡng để nuôi trứng, duy trì thai kỳ.
1. Vai trò của hormone progesterone với cơ thể
Progesterone trong cơ thể người phụ nữ có các nhiệm vụ sau:
- Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt;
- Chuẩn bị lớp lót niêm mạc tử cung để trứng làm tổ;
- Duy trì lớp niêm mạc tử cung trong suốt thai kỳ;
- Ngăn sự rụng trứng tiếp tục xảy ra cho tới khi thai kỳ chấm dứt;
- Ngăn chặn việc thụ tinh nhiều hơn 1 quả trứng cùng lúc;
- Ngăn các cơn co tử cung, giúp cổ tử cung của mẹ bầu luôn đóng kín;
- Kích thích các mô vú để thúc đẩy sự tiết sữa, chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất sữa;
- Tăng cường sự co bóp của cơ vùng chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Ở nam giới, progesterone được sản xuất một lượng nhỏ giúp ích cho việc sản xuất tinh trùng.
2. Nồng độ progesterone bình thường là bao nhiêu?
Nồng độ progesterone tương đối thấp trước khi rụng trứng và thường tăng lên sau quá trình này. Progesterone sẽ tiếp tục tăng lên nếu xảy ra hiện tượng thụ tinh hoặc giảm đi nếu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu nồng độ progesterone không tăng - giảm hằng tháng, điều này báo hiệu bạn đang có vấn đề về rụng trứng, kinh nguyệt hoặc cả hai. Chúng có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc là vô sinh ở nữ giới.
Phụ nữ trải qua nhiều lần mang thai hoặc sinh đôi, sinh ba,... thường có nồng độ progesterone cao hơn tự nhiên so với những phụ nữ chưa có con.
3. Tại sao nồng độ progesterone giảm?
Nồng độ progesterone trong máu có thể giảm vì những nguyên do sau:Nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật hoặc do mang thai muộn;
Suy giảm chức năng buồng trứng;
Vô kinh;
Thai ngoài tử cung;
4. Tại sao nồng độ progesterone tăng?
Nguyên nhân khiến progesterone tăng bất thường gồm:
U nang buồng trứng;Mang thai không thành công;
Một dạng ung thư buồng trứng;
Progesterone được sản xuất quá mức bởi tuyến thượng thận;
Ung thư tuyến thượng thận;
Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH).
5. Hiện tượng thiếu hụt hormone progesterone
5.1 Triệu chứng progesterone thấp
- Đau đầu hoặc đau nửa đầu;
- Thay đổi về tâm trạng, bao gồm lo lắng hay trầm cảm;
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Chảy máu tử cung bất thường ở phụ nữ không mang thai.
5.2 Progesterone thấp có nguy hiểm không?
Hormone progesterone rất quan trọng với phụ nữ trong thời kỳ sinh nở. Nồng độ progesterone thấp đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp một số khó khăn khi mang thai. Cụ thể:
- Khi hiện tượng rụng trứng xảy ra, nồng độ progesterone tăng lên giúp làm dày thành tử cung, sẵn sàng cho trứng làm tổ. Nếu thiếu progesterone, lớp niêm mạc không đủ dày, trứng sẽ không thể làm tổ và thai kỳ không xảy ra;
- Phụ nữ mang thai vẫn cần progesterone để duy trì lớp niêm mạc tử cung cho tới khi em bé chào đời. Cơ thể sẽ tiếp tục sản xuất hormone này và gây ra các triệu chứng bình thường của thai kỳ như đau ngực và buồn nôn. Nếu nồng độ progesterone quá thấp, tử cung có thể không đủ khả năng để duy trì sự phát triển của thai;
- Thiếu hụt progesterone có thể tiềm ẩn nguy cơ sản phụ bị thai ngoài tử cung, dẫn tới sảy thai hoặc thai chết lưu;
- Không có progesterone để bổ sung thì estrogen có thể trở thành hormone chủ đạo, gây ra các triệu chứng như:
- Tăng cân;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Trầm cảm;
- Hội chứng tiền kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt không đều, máu kinh ra nhiều;
- Xơ nang tuyến vú;
- Vấn đề về túi mật.
5.3 Làm gì khi bị progesterone thấp?
Phụ nữ khi có nồng độ progesterone thấp thường không biểu hiện triệu chứng gì đáng ngại và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên nếu bạn mong muốn có con thì nên tìm đến liệu pháp hormone thay thế. Liệu pháp này giúp làm tăng nồng độ progesterone và làm dày niêm mạc tử cung, tăng cơ hội mang thai và đem đến một thai kỳ khỏe mạnh.
Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt và chảy máu vùng kín bất thường cũng có thể cải thiện những triệu chứng này bằng cách sử dụng liệu pháp hormone thay thế. Đối với trường hợp điều trị các triệu chứng nghiêm trọng của thời kỳ mãn kinh, liệu pháp này thường kết hợp cả estrogen và progesterone, bởi nếu dùng estrogen mà không đi kèm progesterone sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
Các phương pháp bổ sung progesterone trong liệu pháp hormone bao gồm:
- Kem và gel: Sử dụng tại chỗ hoặc âm đạo;
- Thuốc đặt: Thường sử dụng để điều trị progesterone thấp gây các vấn đề về sinh sản;
- Thuốc uống.
Liệu pháp hormone chống chỉ định với các trường hợp phụ nữ có tiền sử:
- Ung thư vú;
- Ung thư nội mạc tử cung;
- Bệnh gan;
- Cục máu đông;
- Đột quỵ.
Sử dụng liệu pháp hormone thay thế có thể gây một số tác dụng phụ như đau tim, đột quỵ, hình thành cục máu đông, vấn đề về túi mật và một số loại ung thư vú. Do vậy trước khi dùng liệu pháp này người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ.
Nếu lo ngại tác dụng phụ của liệu pháp hormone, bệnh nhân có thể tìm đến các biện pháp tăng progesterone tự nhiên như:
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin B, C;
- Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, vd động vật có vỏ như tôm, ngao,...;
- Kiểm soát căng thẳng: Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh cortisol thay vì progesterone.
6. Progesterone ở nam giới
Progesterone được biết đến nhiều hơn như là một hormone sinh dục ở nữ giới, tuy nhiên nam giới cũng cần progesterone để sản xuất testosterone ở tuyến thượng thận và tinh hoàn. Nồng độ progesterone ở nam giới tương tự nữ giới trong giai đoạn nang trứng đang chuẩn bị giải phóng trứng.
Các triệu chứng progesterone thấp ở nam giới gồm có:
- Giảm ham muốn tình dục;
- Rụng tóc;
- Tăng cân;
- Mệt mỏi;
- Phiền muộn;
- Gynecomastia (bệnh vú to ở nam giới);
- Rối loạn cương dương;
- Bất lực;
- Mất xương;
- Mất cơ bắp.
Nam giới có nồng độ progesterone thấp sẽ có các nguy cơ cao bị những bệnh sau:
- Loãng xương;
- Viêm khớp;
- Ung thư tuyến tiền liệt;
- Tắc nghẽn cổ bàng quang.
Nồng độ progesterone ở nam giới sẽ bắt đầu suy giảm khi nam giới già đi.
Progesterone đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe cả nam và nữ giới, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu progesterone thấp nào của cơ thể, đặc biệt nếu bạn đang muốn có con thì nên đi khám bác sĩ sớm để xác định rõ tình trạng của mình và kịp thời có biện pháp can thiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét