1. Polyp cổ tử cung là gì?
Polyp cổ tử cung là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào trên cổ tử cung. Polyp có kích thước từ vài mm (nhỏ bằng hạt gạo) đến vài cm, thường có dạng như ngón tay, bóng đèn hay dạng nấm, có thể đơn độc hoặc có thể mọc thành chùm. Polyp cổ tử cung có màu hồng, mềm và dễ chảy máu khi chạm vào. Polyp có thể nằm trên bề mặt cổ tử cung hoặc ở bên trong ống cổ tử cung, một số trường hợp nó thò ra ngoài qua cổ tử cung và nằm trong âm đạo.
Polyp cổ tử cung thường lành tính, không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến việc sinh em bé sau này. Tuy nhiên, có một số hiếm ung thư cổ tử cung xuất phát từ các polyp cổ tử cung và nguyên nhân là do HPV.
2. Nguyên nhân gây polyp tử cung
Nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung hiện giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc polyp cổ tử cung:
- Nồng độ Estrogen cao, đặc biệt phụ nữ trong tuổi sinh đẻ và tiền mãn kinh. Ở tuổi 19−29 pg/ml, bình thường là 149 pg/ml, tuổi 30−39 là 210 pg/ml, tuổi 40–49 là 152 pg/ml, tuổi 50–59 là 130 pg/ml. Riêng với phụ nữ trong kỳ kinh dao động ở mức 50−400 pg/ml. Nếu cao hơn mức bình thường này, bạn có nguy cơ bị polyp cổ tử cung cao hơn.
- Viêm nhiễm âm đạo - cổ tử cung.
3. Dấu hiệu nhận biết bạn bị polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung thường không có biểu hiện rõ ràng nên các chị em phụ nữ thường rất khó phát hiện và nhầm lẫn với 1 số các bệnh khác. Thông thường, các chị em thường phát hiện ra bệnh khi thăm khám phụ khoa định kỳ hoặc khi có một số triệu chứng bất thường.
Triệu chứng hay gặp nhất là ra máu âm đạo bất thường:
- Ra máu sau khi quan hệ tình dục.
- Ra máu giữa chu kỳ kinh.
- Ra máu sau khi thụt rửa âm đạo.
- Ra máu sau mãn kinh.
Đôi khi ra dịch tiết âm đạo quá nhiều màu trắng hoặc màu vàng
Những dấu hiệu trên cũng có thể là biểu hiện sớm của ung thư cổ tử cung, nên bạn hãy đến sớm các cơ sở y tế để khám và có chẩn đoán chính xác.
4. Chẩn đoán polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung không khó chẩn đoán, khi khám phụ khoa các bác sĩ đã có thể phát hiện ra polyp cổ tử cung. Tuy nhiên, những trường hợp polyp ống cổ tử cung sẽ khó phát hiện ra hơn, những trường hợp này với sự hỗ trợ siêu âm, bác sĩ sẽ giúp chị em phát hiện bệnh.
5. Điều trị Polyp cổ tử cung
Thông thường khi phát hiện polyp cổ tử cung, chị em đều mong muốn điều trị sớm để loại bỏ sự khó chịu và các bất thường do polyp. Loại bỏ polyp cổ tử cung thường đơn giản, có thể thực hiện ngay tại phòng khám và không cần thuốc giảm đau. Các phương pháp xử trí polyp cổ tử cung có thể thực hiện ngay tại phòng khám:
- Xoắn chân polyp cổ tử cung trên bề mặt.
- Buộc chỉ phẫu thuật quanh chân polyp và cắt bỏ.
- Dùng vòng kẹp loại bỏ polyp.
- Một số phương pháp loại bỏ chân polyp: Ni tơ lỏng, dao điện đốt chân, tia lazer
- Đối với những trường hợp Polyp ống cổ tử cung, chân polyp to thì có thể bạn sẽ được làm thủ thuật tại phòng mổ; các bác sĩ sẽ mở ống cổ tử cung cắt polyp và đốt chân, sau đó sẽ khâu phục hồi ống cổ tử cung.
6. Chăm sóc sau thủ thuật
- Sau khi làm thủ thuật bạn sẽ dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn.
- Polyp sẽ được gửi giải phẫu bệnh để kiểm tra tế bào.
- Có thể bạn ra chút máu âm đạo 1-2 ngày nhưng đừng lo lắng, hiện tượng này sẽ tự hết.
- Kiêng quan hệ tình dục 4-6 tuần theo lời dặn của bác sĩ.
- Bạn hãy đến gặp lại bác sĩ kiểm tra lại sau 1 tháng.
7. Polyp cổ tử cung có tái phát không?
Một số trường hợp cắt bỏ polyp, một thời gian sau lại thấy xuất hiện lại. Nguyên nhân bệnh polyp cổ tử cung tái phát là do:
- Viêm nhiễm mãn tính gây nên, nếu đơn thuần cắt bỏ Polyp mà không tiêu viêm, các chứng viêm trong tử cung vẫn tồn tại khiến polyp xuất hiện trở lại.
- Khi cắt bỏ nhưng vẫn chưa được triệt để gốc rễ các polyp mọc sâu trong tử cung khiến polyp mọc lại.
- Khi tiến hành lại bỏ Polyp, chỉ xử lý được những polyp có thể nhìn thấy được mà không loại bỏ hết được các Polyp không nhìn thấy. Những polyp này sẽ tiếp tục phát triển thành những polyp mới.
Do đó, vì sức khỏe của bạn , hãy khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đến gặp bác sĩ của bạn ngay nếu có bạn có bất cứ dấu hiệu bất thường nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét